(VNF) – Chuyên gia cho rằng, chủ trương chuyển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ giúp chính “doanh nghiệp” đó có nhiều điều kiện lớn mạnh và đây là cơ hội vàng, cần nắm bắt ngay trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng
Nhiều lợi ích khi chuyển lên DN thời điểm này
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có nội dung quan trọng về việc chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh sang doanh nghiệp.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân.
Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh số hoá nhằm minh bạch và đơn giản thủ tục tuân thủ về thuế, chế độ kế toán, bảo hiểm…nhằm khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp.
Để việc khuyến khích được thực chất, Bộ Chính trị đề nghị nhà chức trách cần cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán, dịch vụ tư vấn pháp lý, các khoá đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các hộ, cá nhân kinh doanh.

Hiện, khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực này đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Theo thông tin về kết quả quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh của Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3/2025, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp Tờ khai thuế theo hình thức khoán là 1.975.373 hộ và có 6.142 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai.
Số lượng hộ, cá nhân kinh doanh sẽ đưa thêm vào quản lý kê khai thuế thông qua triển khai bản đồ số hộ kinh doanh là 61.329 hộ kinh doanh.
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Mr Wick Kiểm toán – Quản trị viên của Diễn đàn Thuế đánh giá, việc nhà nước khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp không chỉ là một chủ trương chiến lược mà còn mở ra nhiều cơ hội và lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp chuyển đổi và nền kinh tế nói chung.
Cụ thể, hộ kinh doanh nhận được nhiều ưu đãi về thủ tục hành chính, thuế và lệ phí. Theo vị này, một trong những rào cản lớn đối với các hộ kinh doanh khi muốn “lớn mạnh” chính là các thủ tục hành chính phức tạp và gánh nặng về thuế, phí.
Với các hộ kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp, sẽ được hưởng những ưu đãi quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 80 năm 2021.
Cụ thể, được hỗ trợ miễn phí tư vấn, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các thủ tục liên quan đến điều kiện kinh doanh (nếu có) tại cơ quan nhà nước. Ngoài ra, miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu, lệ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, và đặc biệt là miễn lệ phí môn bài trong vòng 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
“Đây là một sự hỗ trợ tài chính đáng kể, tạo động lực ban đầu cho các doanh nghiệp mới”, vị quản trị viên nói thêm.
Bên cạnh đó, miễn phí tư vấn, hướng dẫn các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm đầu hoạt động. Điều này giúp doanh nghiệp làm quen và tuân thủ đúng các quy định pháp luật, tránh những sai sót không đáng có.
Chưa kể, doanh nghiệp được hưởng các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật. Đây là những ưu đãi thiết thực, giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động và tăng khả năng cạnh tranh.

Chuyển lên doanh nghiệp là cơ hội vàng cho các hộ kinh doanh nhằm mở rộng sản xuất, tiếp cận nhiều ngành nghề, cần nắm bắt ngay
Thuế không phải là điều đáng ngại
Vị quản trị Diễn đàn thuế cho biết, sự khác biệt trong phương pháp xác định nghĩa vụ thuế giữa mô hình hộ kinh doanh và doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp chuyển đổi.
Trong khi hộ kinh doanh nộp thuế theo tỷ lệ % cố định trên doanh thu (từ 1,5% đến 10%), thì doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, cho phép xác định nghĩa vụ thuế dựa trên tình hình kinh doanh thực tế.
“Doanh nghiệp chỉ nộp thuế khi có lợi nhuận, và mức thuế sẽ tương ứng với hiệu quả hoạt động kinh doanh”, vị này nói ưu điểm.
Với thuế Giá trị gia tăng (GTGT), doanh nghiệp được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giúp giảm đáng kể số thuế GTGT phải nộp. Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ đầy đủ, doanh nghiệp chỉ phải nộp phần thuế GTGT đầu ra thực tế. Hơn nữa, doanh nghiệp không phải phân bổ thuế GTGT đầu vào mà được khấu trừ toàn bộ theo quy định.
Đối với, thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), được xác định bằng doanh thu trừ chi phí. Với thuế suất hiện hành là 20%, nếu doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và bị lỗ trong năm tính thuế, sẽ không phát sinh nghĩa vụ thuế TNDN. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn hoặc khu kinh tế còn được hưởng các chính sách ưu đãi, miễn giảm.
Trường hợp với thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), cán bộ quản lý và người lao động trong doanh nghiệp khi nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công sẽ được hưởng chế độ giảm trừ gia cảnh theo quy định. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng thuế cho người lao động và tăng tính hấp dẫn của doanh nghiệp trong việc thu hút nhân tài.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi này còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và nâng cao uy tín cho tổ chức, giúp hộ kinh doanh tiếp cận các ngành nghề đặc thù, kinh doanh có điều kiện, yêu cầu pháp nhân là doanh nghiệp như: dịch vụ pháp lý, môi giới bất động sản, dịch vụ bảo vệ, kế toán, kiểm toán, đấu giá… Xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, tạo dựng niềm tin để ký kết hợp đồng, tham gia đấu thầu, mở rộng hoạt động, hợp tác, gọi vốn đầu tư, và thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng một cách thuận lợi.
Đồng thời, doanh nghiệp được cấp mã số thuế riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục xuất nhập khẩu, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, con dấu, tài khoản ngân hàng, cũng như kê khai và nộp thuế điện tử.

Về dài hạn, mô hình doanh nghiệp tạo ra một khung pháp lý và cơ cấu tổ chức rõ ràng, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn. Cụ thể là trong việc lựa chọn mô hình phù hợp với quy mô và định hướng phát triển (công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên hoặc hai thành viên trở lên, doanh nghiệp tư nhân…) và được tự do đặt tên theo quy định của pháp luật.
Xây dựng được bộ máy, cơ cấu tổ chức rõ ràng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường và xây dựng nhãn hiệu pháp lý vững chắc.
“Khi doanh nghiệp được đặt trong một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn, giúp tuân thủ tốt hơn các quy định về tài chính, thuế, lao động, bảo hiểm… Song song với đó, cũng có cơ hội tiếp cận và hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay, miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí đào tạo, tư vấn…”, ông Mr Wick Kiểm toán khẳng định.
Cuối cùng, sự phát triển của các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế và xã hội. Doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận cao sẽ đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước thông qua các loại thuế. Tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, sự phát triển của khu vực doanh nghiệp đóng góp trực tiếp vào sự tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
“Với những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, các hộ kinh doanh có thêm động lực và điều kiện thuận lợi để “lột xác”, vươn lên trở thành những doanh nghiệp vững mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đây thực sự là một cơ hội vàng để các hộ kinh doanh nắm bắt, thay đổi và phát triển trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng hiện nay”, đại diện Diễn đàn Thuế nhấn mạnh.